Cách đây 6 năm, dù Cục Thú y đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý chặt sản phẩm động vật đông lạnh nhưng vẫn bị “lọt lưới” nhiều lô hàng thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nhãn hàng hóa không đúng quy định, hết hạn sử dụng… Do ảnh hưởng của dịch lợn tai xanh nên thịt gia súc được NK ồ ạt về nước. Hàng trăm nghìn tấn lục phủ ngũ tạng (tim, gan, lòng lợn…) thẩm lậu bằng hình thức tạm xuất tái nhập từ Trung Quốc sang nước ta theo đường mòn, lối mở biên giới, trong đó nhiều nhất là ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Theo báo cáo của Cục Thú y, số lượng thịt NK trong 3 năm (từ 2008-2010) liên tục tăng nhanh. Năm 2008 tổng lượng thịt NK là 44.178 tấn, năm 2009 tăng lên 119.130 tấn và 7 tháng đầu năm 2010 là trên 60.000 tấn, trong đó thịt đông lạnh chiếm trên 50.000 tấn, còn lại da muối...
Để tăng cường hoạt động quản lý NK và tạm nhập, tái xuất sản phẩm đông vật đông lạnh; bảo đảm an toàn vệ sinh và sức khoẻ người tiêu dùng, ngày 7/7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1152/TTg-KTTH chỉ đạo các Bộ NN và PTNT, Công Thương, Y tế, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo 127/TW, UBND các tỉnh khu vực biên giới, UBND thành phố Hải phòng tăng cường quản lý sản phẩm đông lạnh NK. Trong đó có chỉ đạo Bộ NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành để tiếp tục áp dụng biện pháp tạm dừng NK các loại phủ tạng gia súc, gia cầm đông lạnh; áp dụng chế độ kiểm dịch thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với động vật và sản phẩm động vật đông lạnh NK trước khi thông quan hàng hóa, không áp dụng chế độ thông quan trước kiểm tra sau.
Sau đó 2 năm, tại cuộc họp ngày 24/8/2012 với Bộ NN và PTNT, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã kiến nghị cho phép các DN NK sản phẩm thủy sản đông lạnh được đưa hàng về kho của DN để làm thủ tục kiểm dịch nhằm giảm ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu và không gây phát sinh thêm chi phí kho bãi cho DN.
Xem xét kiến nghị của VASEP, ngày 14/11/2012, Bộ NN và PTNT đã gửi Công văn số 3928/BNN-TY tới Bộ Tài chính về việc quản lý, giám sát sản phẩm thủy sản đông lạnh NK. Việc triển khai thực hiện Công văn số 1152 đã đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo hàng hóa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm NK vào Việt Nam và thuận tiện cho việc xử lý đối với các lô hàng không đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Trong năm 2011, 2012 đã xử lý 14 vụ với 328 tấn sản phẩm đông lạnh các loại không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y an toàn thực phẩm (12 vụ buộc tái xuất, 02 vụ chuyển làm thức ăn cho cá sấu).
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã có một số khó khăn cho các DN NK, cụ thể, Việt Nam chưa có hệ thống kho lạnh tại các khu vực cảng, cửa khẩu dẫn tới việc bảo quản hàng hóa tại cảng, cửa khẩu gặp nhiều khó khăn và gây tốn kém cho DN do tăng chi phí container, lưu bãi tại cảng. Hơn nữa, hệ thống cơ sở hạ tầng tại các cảng, cửa khẩu chưa đảm bảo, khi lượng lớn hàng sản phẩm động vật đông lạnh tập trung nhập về cảng với số lượng lớn sẽ không đáp ứng được yêu cầu vận hành hệ thống bảo quản (các container lạnh phải cắm điện luân phiên) gây nguy cơ hư hỏng hàng hóa.
Trên cơ sở các văn bản pháp quy về thông quan hàng hóa hải quan và kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản, để hạn chế hàng hóa tồn đọng tại các cảng, giảm chi phí cho các DN NK sản phẩm thủy sản, đáp ứng kịp thời nguyên liệu sản phẩm thủy sản cho việc chế biến sản phẩm thủy sản XK, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính: Cho phép các DN đưa hàng sản phẩm thủy sản đông lạnh NK về kho bảo quản của DN (kho bảo quản đủ điều kiện vệ sinh thú y và được cơ quan thú y kiểm soát trong quá trình lưu giữ, bảo quản) để thực hiện việc kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.
Trường hợp kiểm tra thực trạng hàng hóa tại cảng, cửa khẩu phát hiện lô hàng sản phẩm thủy sản NK có dấu hiệu không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm thì bắt buộc phải lưu giữ lô hàng tại cảng, cửa khẩu để thực hiện kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm. Lô hàng chỉ được phép thông quan sau khi có kết quả kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch NK.
Sau khi Công văn số 3928/BNN-TY của Bộ NN và PTNT gửi Bộ Tài chính, hàng hóa thủy sản NK đã được đem về kho bảo quản của DN nhằm bớt chi phí và khó khăn cho DN tại cảng. Tuy nhiên, ngày 8/8/2016, Cơ quan Thú y vùng VI ban hành Công văn số 1094/TYV6-TH hướng dẫn khai báo kiểm dịch NK sản phẩm thủy sản dùng làm nguyên liệu, gia công, chế biến XK. Như vậy, trong khi Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai, quán triệt tinh thần của Nghị quyết 19-2016/NQ-CP vàNghị quyết số 35/NQ-CP nhằm tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN, nâng cao năng lực cạnh tranh thì thủ tục kiểm dịch này lại bước lùi về quy định của 6 năm trước.
Theo đó, kể từ ngày 15/8/2016, các DN NK sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm XK; sản phẩm động vật thủy sản NK từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu; sản phẩm động vật thủy sản XK bị triệu hồi hoặc bị trả về khi NK thực hiện việc khai báo kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu nơi nhập hàng theo Điều 14 Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT. Hồ sơ khai báo kiểm dịch theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT.
Việc này đã khiến hoạt động XNK của DN bị ảnh hưởng và bị tăng chi phí lưu bãi, lưu kho, ngày 30/8/2016, VASEP đã gửi Công văn số 137/2016/CV-VASEP tới Cục Thú y (Bộ NN và PTNT) đề nghị Cục xem xét tiếp tục cho phép các Doanh nghiệp có lịch sử chấp hành tốt các quy định về kiểm dịch được đưa nguyên liệu thủy sản NK về kho bảo quản riêng của DN trong lúc chờ kết quả kiểm dịch thú y như trước đây. Ngoài ra, Cục xem xét áp dụng cơ chế kiểm soát rủi ro trong kiểm soát NK (cho các mục đích NK khác nhau) dựa trên lịch sử chấp hành của DN và nguồn gốc hàng hóa để có thể phân luồng như Hải quan đang áp dụng (xanh-vàng-đỏ) – tránh thực thi kiểm tra 100% số lô NK như hiện nay để tiết kiệm chi phí xã hội và giảm thiểu ách tắc.
Trả lời Công văn của VASEP, ngày 9/9/2016, Cục Thú y cho biết, Cục sẽ báo cáo Bộ NN và PTNT phối hợp với Bộ Tài chính và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.